Đậu thận hay đậu tây, là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và phổ biến trong nhiều nền ẩm thực trên thế giới. Được gọi là “kidney bean” nhờ hình dáng giống quả thận, loại đậu này không chỉ ngon miệng mà còn mang lại vô số lợi ích sức khỏe. Cùng khám phá tất cả về đậu thận, từ giá trị dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe, đến cách chế biến và những lưu ý khi sử dụng.
Đôi nét về Đậu thận
Đậu thận (Phaseolus vulgaris) có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, nơi chúng được trồng và sử dụng từ hơn 7.000 năm trước. Từ đây, đậu thận lan rộng ra toàn cầu thông qua giao thương. Hiện nay, chúng được trồng phổ biến ở Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Mexico và nhiều nước châu Phi. Loại cây này dễ thích nghi, phát triển tốt ở cả khí hậu nhiệt đới và ôn đới, góp phần quan trọng vào sản xuất lương thực trên thế giới.
Đậu thận có nhiều màu sắc và tên gọi khác nhau, mỗi loại có hương vị và đặc điểm riêng. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là 2 loại đậu thận đỏ và đậu thận trắng.
1. Đậu Thận Đỏ (Red Kidney Beans)
Loại đậu thận phổ biến nhất, có màu đỏ tươi, hạt to và hình quả thận đặc trưng. Đậu thận đỏ có hương vị đậm đà và kết cấu cứng chắc sau khi nấu.
Cách sử dụng: Thường được dùng trong món chili con carne, súp, và các món hầm. Nó cũng phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ với món rajma, và ở Trung Mỹ trong các món đậu hầm.

2. Đậu Thận Trắng (White Kidney Beans hoặc Cannellini Beans)
Đậu thận trắng có kích thước tương đương với đậu thận đỏ nhưng vỏ mỏng hơn và có màu trắng kem. Chúng có hương vị nhẹ nhàng, thanh thoát và kết cấu mềm sau khi nấu.
Cách sử dụng: Phù hợp cho các món như minestrone soup, các món salad hoặc hầm. Chúng phổ biến trong các món ăn của Ý và vùng Địa Trung Hải.

Giá trị dinh dưỡng Của đậu Thận
Thành phần dinh dưỡng trong 100g đậu thận nấu chín (theo USDA):
- Calo: ~127 kcal
- Carbohydrate: ~22.8g
- Chất xơ: ~6.4g
- Protein: ~8.7g
- Chất béo: ~0.5g
- Canxi: ~28mg
- Sắt: ~2.94mg
- Magie: ~45mg
- Phốt pho: ~142mg
- Kali: ~403mg
- Kẽm: ~0.87mg
- Folate (Vitamin B9): ~130µg
Đậu Thận với nhiều lợi ích sức khỏe bao gồm:
1. Hỗ Trợ Tiêu Hóa
Hàm lượng chất xơ cao giúp đậu thận cải thiện sức khỏe đường ruột, ngăn ngừa táo bón và giảm nguy cơ mắc các bệnh đại tràng.
2. Kiểm Soát Đường Huyết
Carbohydrate phức hợp và chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, hỗ trợ người bị tiểu đường duy trì đường huyết ổn định.
3. Giảm Cholesterol Và Bảo Vệ Tim Mạch
Chất xơ hòa tan trong đậu thận giúp giảm mức cholesterol xấu (LDL), từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
4. Hỗ Trợ Giảm Cân
Đậu thận chứa ít chất béo và nhiều protein, chất xơ, giúp tạo cảm giác no lâu và giảm lượng calo nạp vào.
5. Ngăn Ngừa Thiếu Máu
Hàm lượng sắt trong đậu thận giúp sản sinh hồng cầu, hỗ trợ người có nguy cơ thiếu máu, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
6. Bảo Vệ Tế Bào
Polyphenol trong đậu thận là chất chống oxy hóa mạnh, giúp giảm viêm và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mạn tính như ung thư.
Ứng dụng của đậu thận trong ẩm thực

- Nấu súp, hầm: Đậu thận thường được dùng trong các món súp, món hầm như chili (súp đậu kiểu Mexico), hầm rau củ.
- Làm salad: Kết hợp với rau xanh, dầu ô liu, chanh để tạo món salad giàu dinh dưỡng.
- Nấu cơm hoặc nấu chung với ngũ cốc: Đậu thận có thể trộn cùng gạo lứt, quinoa để tăng hàm lượng protein.
- Xay làm sốt hoặc chả chay: Dùng để làm burger chay, sốt đậu nghiền ăn kèm bánh mì.
- Làm nhân bánh hoặc bột đậu: Đậu thận nấu chín, nghiền nhuyễn có thể dùng làm nhân bánh hoặc làm bột đậu bổ sung dinh dưỡng.
Lưu ý khi sử dụng đậu thận

Phải nấu chín kỹ: Đậu thận sống chứa phytohaemagglutinin – một loại lectin có thể gây ngộ độc nếu không được nấu chín hoàn toàn. Nên ngâm đậu ít nhất 8 tiếng và luộc ở nhiệt độ cao (ít nhất 10 phút) trước khi chế biến.
Ăn lượng vừa phải: Đậu thận có nhiều chất xơ, nếu ăn quá nhiều có thể gây đầy hơi, khó tiêu.
Kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C: Để hấp thụ sắt tốt hơn, bạn có thể ăn đậu thận cùng với thực phẩm giàu vitamin C như chanh, cam, cà chua.
Không nên ăn khi bị bệnh gout: Vì đậu thận chứa purin có thể làm tăng axit uric trong cơ thể.