Cách Làm cà ri thái xanh thơm ngon
Cà ri Thái xanh (Green Curry) là món ăn nổi bật trong ẩm thực Thái, đặc trưng bởi hương vị tươi cay nhẹ, thơm nồng từ sốt cà ri xanh tự làm (xay từ ớt xanh, sả, riềng, vỏ chanh, rau mùi…) và vị béo mịn của nước cốt dừa. Món cà ri này không chỉ ngon mà còn rất linh hoạt – bạn có thể dùng với thịt gà, tôm, hoặc đậu hũ, kết hợp cùng rau củ theo mùa để tạo nên bữa ăn cân bằng và đầy màu sắc.
Gợi ý xây dựng Món Cà ri Thái Xanh

1. Rau Củ – 1/2 Dĩa
Cà ri thường kết hợp nhiều loại rau củ như:
Cà tím, đậu que, ớt chuông, nấm đùi gà, bí ngòi hoặc bông cải xanh
Có thể thêm lá húng quế Thái, lá chanh kaffir hoặc ngò rí để tăng hương vị và hỗ trợ tiêu hóa
Rau củ được nấu mềm trong nước cốt dừa, giúp thấm gia vị nhưng vẫn giữ được màu sắc và dưỡng chất
Hơn nữa sốt cà ri xanh tự làm gồm nhiều gia vị như: Ớt xanh, sả, lá chanh kaffir, củ riềng, tỏi, hành tím, hạt thì là, hạt ngò, tiêu,… Không chỉ góp phần bổ sung dinh dưỡng mà còn mang lại hiệu quả chống viêm, tăng sức đề kháng và hỗ trợ tiêu hóa tự nhiên.
2. Chất Đạm Tốt – 1/4 Dĩa
Có thể dùng ức gà nạc thái lát, tôm, hoặc với phiên bản chay: đậu phụ chiên áp chảo, hoặc tempeh
Nếu muốn bổ sung đạm thực vật, có thể thêm đậu lăng nấu mềm hoặc đậu Hà Lan nảy mầm.
Kết hợp đạm động – thực vật giúp món ăn tròn vị hơn, giàu dưỡng chất và phù hợp với nhiều chế độ ăn.
3. Carb Tốt – 1/4 Dĩa
Dùng gạo lứt nấu mềm để ăn kèm, giúp hấp thu nước cà ri tốt hơn, lại giàu chất xơ và khoáng chất
Hoặc dùng bánh mì sourdough nguyên cám tự làm, nướng giòn nhẹ – lý tưởng để chấm nước sốt đậm đà
Carb nguyên cám giúp ổn định đường huyết, giàu dinh dưỡng hơn gạo trắng và hỗ trợ duy trì năng lượng lâu dài sau bữa ăn.
4. Chất béo tốt – 10–15%
Nước cốt dừa nguyên chất là phần chất béo chính trong món cà ri, tạo độ béo mượt và thơm đặc trưng
Dầu dừa nguyên chất được dùng để áp chảo gà/tôm và xào các loại gia vị cà ri, giúp làm dậy hương vị đặc trưng kiểu Thái
Tùy khẩu vị, bạn cũng có thể thêm mè rang hoặc hạt điều khi dọn lên.
hướng dẫn cách làm
1. Nguyên Liệu
Phần chính:
- 200g thịt ức gà hoặc tôm lột vỏ (nếu dùng gà: cắt lát vừa ăn)
- 2 thìa canh sốt cà ri xanh
- 200ml nước cốt dừa
- 200ml nước lọc hoặc nước dùng gà/rau củ
- 1–2 thìa cà phê dầu ăn (dầu dừa thơm là tốt nhất)
Rau củ đi kèm (chọn tùy ý, khoảng 200–250g tổng cộng):
- Cà tím, bí ngòi (1 trái nhỏ, cắt miếng vừa ăn)
- Đậu que hoặc đậu rồng
- Ớt chuông, bắp non, bí ngòi…
Gia vị bổ sung:
- Đậu hà lan nảy mầm
- 2–3 lá chanh Thái (nếu có), xé nhỏ
- 1 thìa canh nước mắm (tùy chọn)
- ½ thìa cà phê đường thốt nốt (hoặc đường dừa)
- Húng quế Thái hoặc rau húng Việt Nam (rắc lúc cuối)
Bước 1: Sơ Chế & Áp Chảo Tôm
Ướp nhẹ tôm hoặc gà với chút muối, tiêu (và nước mắm nếu thích) trong 10 phút.
Làm nóng chảo, thêm ít dầu và áp chảo nhanh đến khi thịt săn lại, hơi cháy cạnh → Để ra đĩa riêng.


Bước 2: Nấu Nước Cà Ri


- Xào sốt cà ri: Trong nồi/chảo sạch, thêm 1 thìa dầu, cho 2 thìa sốt cà ri xanh vào xào trên lửa nhỏ đến khi dậy mùi thơm (1–2 phút).
- Thêm nước cốt dừa: Đổ nước cốt dừa + nước lọc vào nồi, khuấy đều.
- Thêm rau củ: Cho rau củ vào nấu khoảng 5–7 phút, đến khi mềm vừa.
- Nêm nếm: Thêm nước mắm, đường vừa khẩu vị.
💡 Mẹo nhỏ: Thêm 1 nắm cải bó xôi xay nhuyễn để tăng màu xanh và giá trị dinh dưỡng.
Bước 3: Hoàn Thiện Món Ăn


Cho tôm hoặc gà đã áp chảo vào nồi, đảo nhẹ tay để thịt thấm sốt nhưng không bị chín quá.
Nấu thêm 1–2 phút rồi tắt bếp.
Rắc húng quế tươi lên trên.
gợi ý ăn kèm

Cơm gạo lứt, cơm ngũ cốc mix tùy khẩu vị.
Có thể ăn cùng bánh mì ngũ cốc, hoặc cơm súp lơ (cauliflower rice) nếu muốn giảm tinh bột.