Cách Làm Mì soba kiều mạch

Mì soba là loại mì truyền thống của Nhật Bản làm từ bột kiều mạch (buckwheat), nổi tiếng bởi hương vị thơm nhẹ đặc trưng, màu nâu xám tự nhiên và kết cấu dai mềm dễ ăn. Tự làm mì soba tại nhà không chỉ giúp bạn chủ động về nguyên liệu mà còn tạo ra những món mì tươi ngon, ít phụ gia, tốt cho sức khỏe.

Trong phiên bản này, mì được làm thủ công từ bột kiều mạch xay tại nhà, kết hợp thêm bột semolina và trứng gà, tạo độ kết dính và dẻo nhẹ – phù hợp để cán và cắt bằng máy pasta hoặc thủ công. Đây là món mì đơn giản nhưng tinh tế, lý tưởng cho những ai yêu thích ẩm thực tự nhiên và chế biến tại nhà.

món này có gì Đặc biệt

  1. Hương vị mộc, thơm nhẹ đặc trưng của kiều mạch nguyên chất.
  2. Trứng và semolina giúp sợi mì mềm dẻo hơn, dễ làm hơn so với soba thuần kiều mạch (vốn dễ nứt và rách).
  3. Nguồn dinh dưỡng lành mạnh: giàu đạm, chất xơ, lysine, vitamin nhóm B và khoáng như magie, sắt.
  4. Có thể tự xay hạt kiều mạch nguyên hạt để đảm bảo độ tươi, thơm và giữ tối đa dưỡng chất.
  5. Mì có thể ăn tươi, sấy khô hoặc cấp đông đều tiện lợi, bảo quản được lâu.
  6. Dùng được cho món mì lạnh kiểu Nhật (zaru soba), mì trộn, hoặc mì nước thanh đạm.

hướng dẫn cách làm mì soba

1. Nguyên Liệu (2 phần ăn)

  • Bột kiều mạch: 100g
  • Bột semolina: 50g
  • Trứng gà: 1 quả (~50g)
  • Nước ấm: 1–2 thìa canh (15–30ml) – dùng nếu bột quá khô
  • Muối (tùy chọn): 1/4 thìa cà phê

2. Dụng Cụ

  • Tô, thìa sạch
  • Máy cán mì (tùy chọn)

Bước 1: Trộn Bột

Trộn đều bột kiều mạch và semolina (với muối nếu dùng) trong tô lớn.
Tạo một lỗ giữa, cho trứng vào. Dùng nĩa hoặc đũa đánh tan rồi từ từ trộn với bột.
Nhồi tay đến khi bột tạo thành khối dẻo, không quá khô hay dính tay. Nếu khô, thêm 1 thìa nước ấm từng chút một.
Ủ bột 20–30 phút, phủ khăn ẩm.

💡Bạn có thể dùng hạt kiều mạch nguyên hạt, sau đó xay mịn bằng máy xay khô để có bột tươi, thơm và giữ lại nhiều hợp chất chống oxy hóa hơn so với bột đóng gói sẵn. Sau khi xay, nên rây mịn một lần để loại bỏ vỏ hoặc mảnh lớn còn sót.

Bước 2: Cắt Bột & Cán Sợi

Nếu dùng máy cán mì:
Chia bột làm 2 phần. Cán qua máy từ mức dày đến mỏng (khoảng mức 4–5 tuỳ máy), phủ chút bột khô giữa các lần cán.
Khi đạt độ mỏng mong muốn, cho qua lưỡi cắt sợi nhỏ nhất (sợi soba).
Phủ nhẹ bột khô để tránh dính.

Nếu cán & cắt bằng tay:
Cán từng phần bột trên mặt phẳng có phủ bột semolina hoặc bột khô, độ dày khoảng 1–2mm.
Gấp nhẹ tấm bột theo chiều ngang, dùng dao sắc cắt sợi mỏng đều.
Rắc bột khô chống dính, nhẹ tay tránh làm rách sợi.

Bước 3: Luộc Mì

Nấu nồi nước sôi lớn, cho một ít muối.
Thả mì vào luộc 2-3 phút tùy độ dày.
Khi mì nổi và dai, vớt ra, xả ngay với nước lạnh để ngừng chín và giúp sợi mì săn lại.
Có thể rửa qua nước đá nếu muốn dùng lạnh.

cách bảo quản mì soba

1. Bảo quản mì soba tươi

Nếu chưa luộc: Rắc nhẹ lớp bột khô, xếp mì theo nắm, cho vào hộp/hũ kín.

Tủ lạnh: dùng trong 2–3 ngày.

Tủ đông: cấp đông từng nắm mì, dùng trong 1 tháng. Khi dùng không cần rã đông, chỉ cần luộc lâu hơn 1 chút.

Nếu đã luộc: Rửa sạch, để ráo, bọc kín và bảo quản tủ lạnh 1–2 ngày (mì có thể khô/mềm hơn).

2. Sấy khô (bảo quản lâu)

Trải sợi mì ra khay lưới, dùng máy sấy ở 45–50°C trong 5–7 giờ đến khi mì hoàn toàn khô, giòn.

Cất vào túi zip hoặc lọ kín, nơi khô ráo, dùng trong 1–2 tháng.

Khi nấu, chỉ cần luộc trực tiếp 5–6 phút.

gợi ý cách dùng mì soba

Soba lạnh chấm nước tsuyu (zarusoba) – đơn giản, thanh mát
Mì soba xào rau củ/đậu hũ – kiểu Nhật hoặc kiểu chay
Soba nước với nước dùng nấm, miso hoặc rau củ
Kết hợp sốt bơ đậu phộng, mè rang, hoặc sốt gừng chua ngọt kiểu fusion
Dùng làm salad mì soba lạnh với dưa leo, cà rốt, đậu nành, mè rang

Lên đầu trang